Vài nét về đàn bầu của người kinh ở Trung Quốc

Vài nét về người Kinh ở Trung Quốc
Trung Quốc có 56 tộc người thiểu số, trong đó người Kinh có khoảng gần 20.000, họ chủ yếu sinh sống tại khu vực vịnh bắc bộ ven biển Quảng Tây. Thời kỳ đầu giải phóng, họ từng được gọi là tộc người Việt, đến năm 1958, sau khi thành lập huyện tự trị dân tộc Đông Hưng, căn cứ vào đặc điểm lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán và nguyện vọng của tộc người này, Quốc vụ viện Trung Quốc đã đổi tên thành tộc người Kinh.
Về nguồn gốc, căn cứ vào tài liệu ghi chép và sự hồi tưởng của các cụ người Kinh trong khu vực này, thì bắt đầu từ TK XV, do điều kiện sinh tồn, nên tổ tiên người Kinh buộc phải từ Đồ Sơn Việt Nam di cư sang Quảng Tây Trung Quốc, vào thời kỳ đầu giải phóng. Trong hương ước của người Kinh sinh sống tại đảo Vạn Vĩ vào năm Quang Tự Đại Thanh (1875) còn lưu giữ lại có ghi chép: “Năm Thuận Tam (1332), tổ phụ sinh sống tại Đồ Sơn, phiêu dạt đến…” (1). Cũng theo ghi chép thì người Kinh vẫn sử dụng niên hiệu của Việt Nam Hồng Thuận. Đó chính là niên hiệu của vương triều phong kiến Hậu Lê sau TK VXI, nhưng Hồng Thuận tam niên chính là năm 1511 sau CN, lúc đó là năm thứ 6 thời Chính Đức Vũ Tông triều Minh Trung Quốc. Từ đó có thể thấy, thời gian người Kinh Việt Nam di cư sang Trung Quốc ít nhất cũng đã có lịch sử hơn 500 năm.
Sống tại Trung Quốc, người Kinh có ngôn ngữ riêng, về căn bản rất giống tiếng Việt Nam. Đầu tiên họ cũng sử dụng chữ Hán, sau đó từ TK XV, khi ở Việt Nam dựa trên phương thức từ chữ Hán để sáng tạo nên chữ Nôm, thì tại khu vực sinh sống của người Kinh Trung Quốc cũng có một bộ phận người học được và lưu truyền cách sử dụng này. Việc này có thể thấy rõ qua các tập sách hợp xướng, kinh thư, gia phả và hương ước được lưu truyền tại khu vực của người Kinh, ngoài chữ Hán còn xen lẫn một số chữ Nôm. Nhưng do kết cấu chữ Nôm phức tạp, nét bút khá nhiều, vì thế rất khó cho việc lưu truyền và phổ biến rộng rãi. Cho tới nay, giới trẻ người Kinh ở Trung Quốc không còn sử dụng những ký tự bằng chữ Nôm nữa.
Từ lâu, hai tộc Kinh và Hán đã cùng chung sống hòa thuận. Hiện nay cư dân kinh sống tại Trung Quốc, ngoài việc tiếp thu một lượng lớn từ mới của tiếng Hán nhằm làm phong phú ngôn ngữ của dân tộc, còn có thể sự dụng lưu loát tiếng địa phương và tiếng phổ thông toàn quốc. Tiếng Hán đã trở thành công cụ giúp họ giao tiếp với các tộc người khác trong cuộc sống hằng ngày.
Về phục trang của người Kinh, một bộ phận phụ nữ lớn tuổi vẫn giữ được những nét truyền thống dân tộc. Áo có hai vạt ôm sát người, tay bó, không có thắt lưng, không cổ, áo yếm che ngực hình quả trám. Quần dài ống rộng màu đen hoặc nâu. Khi ra ngoài thường khoác thêm áo dài màu trắng, hình dáng giống áo dài truyền thống Việt Nam. Một số người vẫn còn thói quen nhuộm răng đen. Đàn ông ngày xưa mặc áo tay bó, dài đến đầu gối, có dây buộc ở thắt lưng. Nhưng đến nay, trang phục này chỉ còn được một bộ phận người lớn tuổi sử dụng, và chỉ xuất hiện trong các dịp lễ hội của dân tộc, còn thanh niên đa số mặc gần giống với tộc người Hán ở vùng lân cận.
Nghệ thuật dân gian truyền thống của khu vực người Kinh tại Trung Quốc vô cùng phong phú và đa dạng, mang đậm phong cách dân tộc. Ngày lễ truyền thống quan trọng nhất là lễ cầu ngư – cáp tiết (ha jie). Theo các cụ cao niên người Kinh ở Trung Quốc và một số nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân gian ở Việt Nam thì, từ cáp (ha) là âm đọc chệch của từ hát. Cáp tiết có nghĩa là lễ hát mang tính tâm linh được diễn ra ở miếu Ông (thờ cá voi) nơi người kinh sinh sống. Thời gian làm lễ cầu ngư ở mỗi nơi một khác. Chẳng hạn, người Kinh tại đảo Lịch Vĩ, Vu Đầu làm lễ ngày 10-6 âm lịch; người Kinh trên đảo Sơn Tâm lại chọn ngày 10 tháng 8 âm lịch; Và, người Kinh sinh sống tại thôn Hồng Khảm thì chọn ngày 25 tháng 12.
Mỗi năm khi đến ngày lễ này, người Kinh tại địa phương thường tổ chức rất long trọng. Con cháu xa gần đều tự giác trở về quê nhà đoàn tụ và để chúc mừng cho ngày lễ văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Lễ được tổ chức tại miếu Ông. Miếu Ông được làm bằng loại gỗ tốt, đẹp mắt và mang phong cách độc đáo của dân tộc Kinh. Miếu Ông vừa là thần miếu, tự đường vừa là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật .Trong miếu, bên cạnh thờ các vị thần linh của thôn là bài vị tổ tiên của các dòng họ. Trước miếu chủ yếu dùng để ca hát. Lễ cầu ngư được diễn ra theo bốn công đoạn:
Rước thần, trước lễ một ngày, nam giới lập thành một đội, họ đứng trước biển cả, đánh trống và đàn hát, thắp hương tế thần, rồi mời các vị thần Đại vương trấn hải, Hoa bà và tổ tiên của các họ tộc vào miếu Ông an vị.
Tế thần, sau khi rước thần, việc tế thần sẽ tiến hành vào lúc 3 giờ cùng ngày.
Ca hát, sau tế thần, những người tham gia hát phải là nam giới ở một độ tuổi nhất định. Phụ nữ và trẻ con không được phép vào trong miếu mà chỉ đứng ngoài nghe hát.
Tiễn thần, ca hát xong thì tiễn thần, đây là công đoạn cuối cùng và lễ cầu ngư kết thúc.
Ngày lễ cầu ngư, trai gái, già trẻ trong thôn đều mặc lễ phục, tập trung trước miếu để làm lễ rước thần, tế thần và ca hát. Các cô gái sẽ luân phiên nhau vừa hát vừa múa. Lời hát mang tính tâm linh, chủ yếu ca ngợi thần Ông. Có hai cô gái hát chính và hai cô gái múa phụ họa ở phía sau gọi là cáp muội. Hoạt động ca hát này phải tiến hành hành liên tục 3 ngày 3 đêm, vừa ăn uống vừa nghe ca hát.
Ngày xưa, nghe hát cũng có quy định rất nghiêm ngặt, thường thì căn cứ vào số tiền quyên để chia thứ bậc. Người quyên góp nhiều tiền sẽ ngồi ở vị trí cao nhất, được thưởng thức tế phẩm. Người quyên góp ít, không được hưởng tế phẩm, phải đội hương án, gánh nước, nấu cơm… Trong lễ cầu ngư, giữ vai trò chủ yếu là một cáp ca (nam chuyên hát) và hai cáp muội. Lúc biểu diễn, cáp ca (đứng giữa hai cáp muội) tay cầm nhạc cụ là hai thẻ tre nhỏ dài khoảng hơn 10cm (giống như thẻ tre dẹt, được các nghệ nhân ở Việt Nam dùng trong tục hát trống quân) vừa hát vừa gõ. Hai cáp muội ngồi hai bên, tay gõ lên gỗ trúc. Lúc cáp muội hát, khi hết một câu, cáp ca sẽ căn cứ vào giai điệu để đánh tam huyền cầm (đàn 3 dây). Tiếng đàn và tiếng thẻ tre hòa quyện vào nhau vô cùng êm tai (2). Lễ cầu ngư đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người Kinh, vì thế, năm 2006 được công nhận trong danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Trung Quốc. Ngoài lễ hội ca hát thì nhảy sạp, độc huyền cầm (đàn bầu) cũng được công nhận là những hạt ngọc quý trong văn hóa truyền thống.
Người Kinh Trung Quốc rất thích ca hát. Các bài dân ca của họ vô cùng đặc sắc với cách hát biến điệu từ lâu đời, âm điệu tinh tế, giai điệu chậm rãi, tiết tấu uyển chuyển, hài hòa khiến người nghe có cảm giác êm tai và ấm áp. Dân ca có khoảng 30 làn điệu khác nhau. Căn cứ vào nội dung có thể phân thành các loại: bài ca sơn cước, tình ca (hát giao duyên), đám cưới, đánh cá, tâm sự, kể chuyện dài, tôn giáo, phong tục, lao động sản xuất… Trong đó có một số bài được lưu truyền lại, số khác được sáng tác theo kiểu tức cảnh sinh tình. Các bài hát sử dụng tiếng Kinh thường căn cứ theo quy luật riêng, tương đối phức tạp.
Trong số những bài hát lưu truyền có bài Đàn bầu, kể lại những câu chuyện về sự yêu thích của người Kinh với cây đàn. Lời ca viết rằng: “Lặng nghe tiếng đàn vạn cổ tích tịch tình tang, trong lòng bỗng thấy thêm yêu quý. Tiếng đàn kể bao điều hay lẽ phải, đêm dài thanh tịch vẫn muốn nghe hoài”. Tiếc rằng, hiện nay chúng ta không thể nào tìm được nhạc phổ của bài hát, cũng không ai được nghe, mà chỉ có thể đọc được lời hát qua sách vở.
Cây đàn bầu của người Kinh Trung Quốc
Người Kinh cũng sử dụng nhiều loại nhạc cụ khác nhau như nhị hồ (hai dây), tần cầm (ba dây), sáo trúc, trống, chiêng, mõ tre mõ, bộ gõ bằng trúc… Riêng đàn bầu là loại nhạc cụ độc đáo nhất. Đầu tiên, đơn giản nó là nhạc cụ dùng đệm cho đọc thơ, hoặc để đệm cho cáp muội hát múa trong lễ cầu ngư. Sau đó đàn bầu phát triển thành nhạc cụ để hòa tấu (thường dùng để diễn tấu với ống tiêu). Ngày nay, đàn bầu thường được dùng để độc tấu, hòa tấu, hoặc tham gia với vai trò nhạc cụ đệm trong các chương trình ca múa.
Ngày xưa việc chế tạo đàn bầu rất đơn giản, thông thường chỉ cần một nửa miếng tre lớn, hoặc 3 miếng gỗ nối lại thành hình chữ nhật, dài khoảng 110cm. Cột đàn làm bằng tre hoặc sừng trâu. Dây đàn làm bằng gai, vỏ trúc, tơ hoặc kim loại. Trước đây, đàn bầu chỉ có thể đánh được 4 âm. Các bản nhạc cho đàn bầu rất nhiều, nhưng lưu hành rộng rãi nhất chủ yếu có các bài Nước chảy núi cao(Gao shan liu shui), Cưỡi ngựa(Qi ma), Đánh bạc (Du bo).
Mặc dù được lưu truyền sang Trung Quốc khá lâu, nhưng đàn bầu lại không được giới thiệu và quảng bá rộng rãi như các nhạc cụ phương Tây. Chúng tôi cho rằng chủ yếu là do chịu những ảnh hưởng sau:
Thứ nhất, là do dân số ít, lại sống ở các vùng hẻo lánh, chủ yếu tại ven biển nam Quảng Tây Trung Quốc. Cuộc sống tập trung rất có lợi cho việc truyền bá và kế thừa văn hóa của dân tộc mình, nhưng do thiếu sự giao lưu với thế giới bên ngoài, khiến cho các tộc người khác không thể hiểu rõ về văn hóa âm nhạc của người Kinh. Đó vừa là ưu điểm để bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc không bị xâm hại, mai một, song cũng là lý do khiến cho các đặc sản văn hóa, trong đó có cây đàn bầu hầu như không được biết tới ở phạm vi rộng rãi như các nhạc cụ phương Tây.
Thứ hai, do hạn chế về âm lượng của bản thân nhạc cụ, người nghe phải đứng gần thì mới có thể thưởng thức được những giai điệu tuyệt vời của nó. Mặt khác âm lượng của đàn còn bị hạn chế khi nó hòa tấu với các nhạc cụ khác, điều này khiến cho đàn bầu rất khó có chỗ đứng trên những sân khấu lớn.
Thứ ba, do thiếu quy luật diễn tấu và hệ thống nhạc phổ. Ngoài việc truyền miệng từ đời này sang đời khác một vài bài cổ điển đơn giản, có rất ít những nhạc khúc cho đàn bầu, thiếu những bài đặc trưng được mọi người ưa chuộng giống như Thập diện mai phục (Shi mian mai fu) của đàn tỳ bà hay Nhị hồ ánh nguyệt (Er quan ying yue) của đàn nhị hồ… Hơn nữa, do âm lượng đàn bầu ngày trước tương đối nhỏ, kỹ thuật phát triển không cao, các khúc diễn tấu thường mang sắc thái chậm rãi, bi thương, âm vực bị hạn chế trong một phạm vi hẹp, không bộc lộ hết tính năng và sự độc đáo của cây đàn.
Thực trạng cây đàn bầu trong khu vực người Kinh ở Trung Quốc
Nghệ thuật đàn bầu bị lãng quên cho đến khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập và từng bước có những thay đổi tích cực. Chính phủ đặc biệt coi trọng đến công tác sưu tầm, chỉnh lý và nghiên cứu văn hóa dân gian, nhằm kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của từng tộc người trong đó có người Kinh. Chính từ cuộc tổng điều tra mang tính quy mô toàn quốc này, đàn bầu đã nhận được sự trọng thị đặc biệt các nghệ sĩ trong giới âm nhạc và các cơ quan liên quan.
Thời điểm quan trọng nhất ghi dấu ấn lịch sử, đó là vào những năm cuối thập niên 50 TK XX, cây đàn bầu được đón nhận ở Trung Quốc trên phạm vi vượt ra khỏi không gian sống của người người Kinh. Khi ấy, nghệ nhân người Kinh tên là Tô Thiện Huy đã đưa đàn bầu lên sân khấu biểu diễn. Cũng thời điểm này, Jian Phu đã ký âm bản phổ bằng nhạc số cho đàn bầu. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho cây đàn bước lên đài nghệ thuật. Từ đó nghệ thuật đàn bầu ngày được nâng cao về kỹ thuật cũng như phương cách biểu diễn. Những năm gần đây, các nghệ nhân chế tác nhạc cụ đã tiến hành thí nghiệm nhiều lần, và họ đã thành công trong việc sử dụng gỗ lim hoặc gỗ cây cọ để làm thân đàn, đồng thời gắn thêm thiết bị âm thanh bằng điện, khiến cho đàn bầu khi diễn tấu trên sân khấu có sức hấp dẫn lạ kỳ.
Năm 2005, ông Lưu Chấn ở thành phố Thiên Tân Trung Quốc đã phát minh ra hệ thống sạc điện cảm quang cho cây đàn. Với sáng kiến này, ông đã đạt huy chương vàng trong Cuộc thi chế tạo nhạc cụ dân tộc cao cấp Trung Quốc. Cô gái người Kinh tên là Tô Hải Trân xuất thân từ Vạn Vĩ đã biên tập và phát hành tập nhạc chuyên về đàn bầu hàng đầu Trung Quốc mang tên Hải vận ma ảnh, gồm 11 bản nhạc. Châu Tử Quyên người Mỹ gốc Hoa đã thành lập công ty tuyên truyền về đàn bầu tại Mỹ, chịu trách nhiệm quảng bá và giới thiệu đàn bầu đến các nước trên thế giới.
Trong Hội thảo văn hóa dân tộc Kinh được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Tây, việc tuyên truyền và phát triển văn hóa đàn bầu đã trở thành một trong những vấn đề mấu chốt. Các chuyên gia nghiên cứu về dân tộc của Trung Quốc đang đề nghị xúc tiến Khu bảo tồn sinh thái dân tộc Kinh, giúp cho sự phát triển văn hóa dân tộc truyền thống của người Kinh, trong đó đàn bầu cũng nhận được sự quan tâm ấy. Đàn đàn bầu hiện đại vẫn có dáng vẻ rất chân chất như loại đàn cổ với hình thức và chất liệu hết sức dân dã. Tuy nhiên, đường nét thì tao nhã cổ điển hơn, đặc biệt âm sắc rất tuyệt diệu, hài hòa, càng làm toát lên sức hấp dẫn của tiếng đàn bầu.
Xu hướng phát triển
Những năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến văn hóa truyền thống các dân tộc. Bắt đầu từ năm 2006, chính phủ đã tiến hành tổ chức Ngày di sản văn hóa vào tuần thứ hai của tháng 6 hằng năm (3), với mong muốn sẽ tăng cường hơn nữa ý thức bảo tồn và kế thừa di sản văn hóa của toàn thể dân tộc, mà cây đàn bầu không phải là trường hợp ngoại lệ.
Hiện nay, những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp đang không ngừng nỗ lực nghiên cứu nhằm góp phần phát triển cây đàn này ở Trung Quốc. Hy vọng một ngày không xa đàn bầu sẽ nhanh chóng được quảng bá rộng rãi giống như đàn đầu ngựa, đàn sợi hồ lô (kèn bầu), để mỗi khi nhắc nó, thế giới sẽ biết ngay đó là nhạc cụ đặc trưng của người Kinh. Vì thế, hiện nay tại tỉnh Quảng Tây, nơi tập trung sinh sống của người Kinh, chính phủ và nhân dân đang có những chiến lược nghiên cứu nhằm phát triển và quảng bá cây đàn này.
Hàng loạt chính sách về giáo dục do Bộ Giáo dục Quốc gia ban hành, cũng như Hội thảo giáo dục âm nhạc toàn quốc năm 1999, đã tập trung vào việc thảo luận làm thế nào để đem nguồn tài nguyên văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục âm nhạc của trường học.
Bộ Giáo dục quốc gia đã kêu gọi các trường âm nhạc tham gia vào việc tìm kiếm, chỉnh lý và nghiên cứu văn hóa âm nhạc dân tộc trong 50 năm qua. Đồng thời, Bộ cũng thảo luận sâu về phương pháp giải quyết các vấn đề liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên âm nhạc. Bộ đã đề ra chỉ tiêu mỗi học sinh phải biết hát một bài dân ca của quê hương mình.
Năm 2001, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành Tiêu chuẩn giáo dục âm nhạc, trong đó, phần thứ tư – Chương trình nghiên cứu phát triển và sử dụng tự nguyện – đã quy định: thực hiện quản lý 3 cấp từ quốc gia, địa phương đến trường học. Ngoài chương trình học bắt buộc của chính phủ thì chương trình học do địa phương, trường học tự nghiên cứu phát triển phải có tỷ lệ nhất định phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và địa lý nhân văn của địa phương ấy. Địa phương và các trường học có nhiệm vụ nghiên cứu, viết giáo trình giảng dạy âm nhạc nhưng phải mang đậm màu sắc địa phương, dân tộc.
Dưới chính sách khích lệ của chính phủ, nhiều tộc người ở Quảng Tây đã thu thập, chỉnh lý âm nhạc dân tộc tại địa phương, đem các làn điệu dân ca, nhạc cụ truyền thống vào trong chương trình giảng dạy các cấp. Sơn ca của người Đồng, múa con ếch (qin wa wu), thổi tính tầu (tian qin), kèn so na (suo na) của người Choang được đưa vào hệ thống giảng dạy tại trường học nơi cư trú của từng tộc người…
Quảng Tây là nơi duy nhất có người Kinh sinh sống tập trung, vì thế rất được chính quyền tỉnh xem trọng, và đàn bầu đã được đưa vào chương trình giảng dạy.
Hiện nay, chương trình học đàn bầu được triển khai trên mọi cấp học cũng như tại một số trung tâm sinh hoạt thiếu niên, nhi đồng ở thành phố Nam Ninh, chẳng hạn Trường tiểu học Giang Nam và đội nhạc nữ đàn bầu của Trường phổ thông trung học Thập Tứ… Chương trình này, học sinh không những hiểu rõ về cây đàn mà còn có cơ hội giao lưu với giới nghệ sĩ trong và ngoài nước thông qua các buổi biểu diễn. Bên cạnh đó, các trường phổ thông trung học của tỉnh Quảng Tây đã dần triển khai việc nghiên cứu lý luận đàn bầu và các chương trình giảng dạy. Theo đó, đội ngũ giáo viên chuyên dạy đàn bầu ngày một nhiều thêm, số lượng khán thính giả yêu thích loại nhạc cụ này cũng tăng lên không ngừng.
Trong thời đại âm nhạc Đông – Tây phát triển rầm rộ như hiện nay, muốn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán thính giả với đàn bầu, thì cần phải tận dụng và tôn vinh tính đặc sắc, độc đáo của cây đàn. Bên cạnh việc thu thập rộng rãi các nhân tố âm nhạc và nội hàm văn hóa của dân tộc Kinh, thì cũng cần chú ý đầu tư đổi mới về hình thức nhạc cụ.
Những năm qua, tỉnh Quảng Tây đã tổ chức nhiều hội thảo về mối quan hệ giữa đàn bầu và văn hóa dân tộc Kinh, thông qua việc nghiên cứu các hoạt động văn nghệ trong ngày lễ trọng đại – lễ cầu ngư. Nghiên cứu văn hóa tộc người Kinh và âm nhạc dân tộc, từ đó vận dụng những nhân tố âm nhạc đặc sắc để đưa vào các tác phẩm đàn bầu. Đồng thời, tỉnh còn khuyến khích các nhạc sĩ soạn tác phẩm mới, thử nghiệm theo những phong cách khác nhau, khai thác chất liệu âm nhạc của tộc người khác để viết tác phẩm cho đàn bầu, và thử nghiệm việc kết hợp giữa đàn bầu với các nhạc cụ dân tộc khác, thậm với nhạc cụ phương Tây…
Từ những kết quả bước đầu có được trong việc nghiên cứu phát triển bản thân nhạc cụ, đến việc nghiên cứu lý luận âm nhạc tộc người Kinh cũng như quá trình sáng tác các tác phẩm mới, chúng ta có lý do để tin tưởng rằng trong tương lai không xa, đàn bầu sẽ có một không gian phát triển rộng lớn hơn.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 307, tháng 1-2010
________________________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ban Sự vụ Dân tộc Quảng Tây, Điều tra tình hình người Việt Phòng Thành, Nxb Dân tộc Quảng Tây, Quảng Tây, tr.85.
2. Những vấn đề về Lễ Cầu ngư – Cáp tiết được chúng tôi tìm hiểu trong cuốn Giản sự dân tộc Kinh, Nxb Dân tộc Quảng Tây, Quảng Tây, 1984.
3. Quốc vụ viện Trung Quốc, Thông tri về tăng cường công việc bảo tồn di sản văn hóa, ban hành 2006.