Bách niên Tổ nghề Ông Tổ Cải Lương Là Ai ?

Trần Trung Quân
Ông Tổ Cải Lương tên thật là Tống Hữu Định, bút hiệu Tịnh Trai, người ta còn gọi là Thầy Phó Mười Hai – gọi Thầy Phó vì ông từng làm Phó Tổng đất Vãng (sau đổi thành tỉnh Vĩnh Long) và gọi Mười Hai là theo hạng thứ trong gia đình. Ông sanh năm 1896 tại làng Long Châu, Vĩnh Long và mất năm 1932.
Ông là một danh sĩ tài hoa, vốn dòng dõi một công thần nhà Nguyễn – ngài Tống Phước Hiệp, thần hoàng bốn tỉnh – người có công trùng tu và tân tạo Văn Thánh miếu mà cũng là người nâng đỡ chu toàn nền cổ nhạc Long Hồ.

Nhưng ông cũng là người ăn chơi nổi tiếng, hào hoa đứng đầu tỉnh Vĩnh Long vào những năm 1915-1920. Lúc sanh tiền ông hay tổ chức đờn ca tiệc tùng, đá gà nòi, bài bạc, đờn hát, ngâm thơ đủ thứ. Đệ nhất thế chiến 1914-1918, ông tổ chức hát dạo quyên tiền giúp quốc trái nhưng chưa bao giờ lên hát trên Sài Gòn. Họa chăng ông là người ham dạo chơi đó đây, nên ông từng ghé Mỹ Tho ngủ đêm tại đây để chờ sáng đáp xe lửa lên Sài Gòn, nhân dịp đó có lẽ ông đã từng xem hát bóng có đờn ca tài tử tại Mỹ Tho, cũng như ông từng lên ngồi uống rượu ở nhà hàng P.T. (góc Lê Thánh Tôn – Thủ Khoa Huân) và tại nhà hàng Lương Hữu, khách sạn ông Bảy Phương (đường Nguyễn Thiệp), ông thấy giàn đờn tài tử, ông chớp để bụng mang về nhà bày đờn ca ngồi trên ván ngựa v.v.

Tuồng Cải Lương được diễn lần thứ nhất tại nhà Thầy Phó Mười Hai (Vũng Liêm) là ngày 15-11-1918, kế đó diễn nơi Sa Đéc và Vũng Liêm. Lúc bấy giờ, nói đến tên ông Tống Hữu Định, trong giới âm nhạc tài tử ai đều cũng biết. Ông là người có sáng kiến khai sinh ra điệu ca bộ, ông tổ chức nghệ thuật sân khấu Cải Lương. Khoảng đầu năm 1916, trong một buổi hòa tấu nhạc tại nhà ông, bài ca Tứ Đại Oán “Bùi Kiệm Thi Rớt Trở Về” được trình diễn bằng hình thức “ca ra bộ”, vừa ca vừa ra bộ. Ba người thủ vai: Bùi Ông, Bùi Kiệm, Kiều Nguyệt Nga (Cô Ba Định thủ vai Nguyệt Nga, ông giáo Du trong vai Bùi Ông và ông giáo Diệp Minh Ký trong vai Bùi Kiệm).

Ông Tống Hữu Định nổi tiếng là người hào hoa phong nhã hiếu khách, say mê nghệ thuật đờn ca, hàng tuần vào ngày thứ bảy đều có tổ chức hòa nhạc, tiệc tùng tại nhà ông với đôi ba người tài tử nghệ sĩ. Phong trào âm nhạc tài tử nhờ đó mà phát triển mạnh mẽ ở miền Tây cách đây 75 năm. Ông vừa là người có tâm hồn nghệ sĩ vừa là một nhà thơ, đã đứng ra vận động thành lập Hội Văn Thánh, quyên tiền trùng tu Văn Thánh miếu Vĩnh Long.

Nguồn: CailuongVietnam.com