Trăm năm Dạ cổ hoài lang vùng sông nước cửu long

(CATP) Đã 95 năm kể từ khi khai sinh đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ, bài Dạ cổ hoài lang mượn tiếng trống đêm (dạ cổ) để làm nhịp cầu chở những nhớ thương, mong đợi của người thiếu phụ vọng phu (hoài lang) chính thức được thế giới công nhận và vinh danh.

ĐẶC SẢN CỦA VÙNG SÔNG NƯỚC CỬU LONG

Theo nhiều tài liệu, nghiên cứu, trải qua gần một thế kỷ, bài Dạ cổ hoài lang làm say mê những thế hệ ĐCTT, sân khấu cải lương Nam bộ nhưng cuộc đời của tác giả bài hát này đã qua nhiều thăng trầm, biến cố. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu, hay còn gọi Sáu Lầu, sinh năm 1892, mất năm 1976, tại làng quê nghèo xã Thuận Mỹ (huyện Vàm Cỏ, Long An). Cũng như bao gia đình khác ở vùng nông thôn, hoàn cảnh gia đình ông gặp nhiều khó khăn. Thân sinh ông là ông Cao Văn Giỏi, nông dân nghèo nhưng có khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Năm ông lên 7 tuổi đã theo cha về Bạc Liêu sinh sống. Thời gian này, ông đau bệnh nên ông Giỏi gởi ông tu học kinh phật và chữ Nho tại chùa Vĩnh Phước An, Bạc Liêu. Năm 16 tuổi, ông Lầu xin cha theo học đàn thầy Nhạc Khị.

Nơi đất lạ quê người kèm theo tiếng chuông ngân chùa Vĩnh Phước An với năng khiếu bẩm sinh, bốn năm theo học, ông tinh thông nhạc lễ và được tham gia đờn ca buổi tiệc. Theo soạn giả Trọng Nguyễn, lúc bấy giờ triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng thực dân Pháp. Chiến tranh Thế giới Thứ nhất bùng nổ, thực dân Pháp ra sức bóc lột nhân dân ta vô cùng thậm tệ, gia đình ông Cao Văn Lầu phải làm nhiều nghề để kiếm sống. Ông đứng ra tổ chức một đoàn nhạc sĩ, ca sĩ của tỉnh Bạc Liêu lên khách sạn Bồng Lai Cảnh ở Sài Gòn để đua tài với các nghệ sĩ khác. Sau đó, ông mạnh dạn lập ra nhóm nhạc tài tử gồm ông, bác Sáu Thìn, cô Ba Phấn là tiền đề cho việc hình thành nghệ thuật ĐCTT. Quãng thời gian trên, ông luôn trọng chữ tình của người nghệ sĩ. Khi học đàn tại nhà thầy Nhạc Khị, ông có cảm tình với cô Hai Sang, con gái của thầy. Tuy nhiên, do không hợp tuổi, cô Hai Sang gạt nước mắt lên xe hoa cùng người khác. Lúc thành lập nhóm nhạc tài tử, ông có cảm tình với người bạn đồng nghiệp là cô Ba Phấn.

“Tình trong như đã mặt ngoài còn e” đã không có kết cục như ý muốn. Cô Ba Phấn bị một số công tử giàu giết vứt xác dưới sông Bạc Liêu. Năm 23 tuổi, ông Lầu kết hôn với người đẹp Lê Thị Tấn. Sau ba năm chung sống không sinh được con, theo lệ hà khắc của chế độ phong kiến “Tam niên vô tử bất hành thê”, ông đành chia tay người vợ mà mình hết mực thương yêu. Mỗi tối nhớ vợ, ông cầm đàn ra bờ ruộng dạo những cung ai oán thương cho thân phận người vợ hiền, trách cho cảnh đời ngang trái. Một đêm trung thu năm 1919, ông trằn trọc không ngủ được. Tiếng trống sang canh của chùa Vĩnh Phước An vang lên trong màn đêm tĩnh lặng, ánh trăng tròn vành vạnh lòng ông đau như cắt. Ông ôm đàn, âm điệu của bài Dạ cổ hoài lang bật lên: “Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phán lên đàng. Vào ra luống trông tin nhạn. Năm canh mơ màng”…
Không giấu được nỗi thương xót vợ, ông nói dối mẹ đi đàn nhạc lễ nhưng thực ra thăm vợ. Thời gian sau, vợ ông có thai. Đứa con đầu lòng ông đặt tên là Cao Kiến Thiết, từng công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Mông Cổ. Và từ đó, trong mái ấm gia đình của người nghệ sĩ nghèo đầy ắp tiếng cười của những đứa con lần lượt ra đời. Trải qua nhiều thập kỷ, bài Dạ cổ hoài lang được các nghệ nhân phát triển thành bản vọng cổ thịnh hành như bây giờ. Từ bản sơ sinh nhịp đôi được nâng lên thành nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16 rồi nhịp 32. Từ 20 câu, bản nhạc được giảm xuống còn 6 câu như cách nói của người Nam bộ “rành sáu câu vọng cổ”. ĐCTT là đặc sản của vùng sông nước Cửu Long thì Dạ cổ hoài lang sản sinh ra sinh hoạt văn hóa của vùng sông nước.

CẦN TÔN VINH NHỮNG NGHỆ NHÂN

Nói về Dạ cổ hoài lang, NSND Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu cho rằng Dạ cổ hoài lang là nền tảng của bài vọng cổ. “Tính từ khi các thế hệ nhạc sĩ sáng tác bài vọng cổ hoài lang nhịp 8 năm 1936 với lối ca ngân nga, chậm rãi của kép Năm Nghĩa, thân phụ của NSƯT Bảo Quốc qua bài Văng vẳng tiếng chuông chùa thì 11 năm sau, bản vọng cổ này đã tiến lên một bước mới qua cách ca chắc nhịp, rõ chữ và mùi mẫn của nghệ sĩ Út Trà Ôn qua bài Tôn Tẩn giả điên được khán giả chú ý. Sau đó, tôi sáng tác bài Tình anh bán chiếu, Út Trà Ôn được phong tặng danh hiệu “Đệ nhất danh ca vọng cổ”… đã tạo một đời sống cho bài vọng cổ. Về làn điệu và cấu trúc âm thanh, bài vọng cổ là điệu ca, bản ca đặc nét Nam bộ, đầy cảm xúc trong hơi điệu và nhạc cảm. Chính vì thế, nó chiếm vị trí chủ đạo trên sân khấu và các tụ điểm nhạc tài tử. Tôi ngưỡng mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ngưỡng mộ tình yêu chung thủy của ông. Bản Dạ cổ hoài lang là tình yêu da diết, là hơi thở, nhịp đập của con người Nam bộ, sống mộc mạc, thủy chung giúp bản nhạc bền bỉ theo thời gian”, NSND Bảy Bá chia sẻ.

Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại phường 2, TP.Bạc Liêu

GS.TS Trần Văn Khê đề nghị: “Sau khi được UNESCO nhìn nhận là một Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, ĐCTT không thể phát triển theo chiều hướng hiện nay. Các nghệ nhân nhứt là những người cao niên phải được chánh quyền, các cơ quan hữu trách… chăm sóc để đem những hiểu biết của mình truyền lại cho giới trẻ, các nghệ nhân phải được tôn vinh như một di sản quí… Nên phổ biến ĐCTT không phải chỉ trong cuộc lễ hội mà có thể tổ chức những buổi ĐCTT có giải thích cho học sinh các trường tiểu học, trung học”. Nghệ nhân Phạm Văn Loan (ngụ huyện Phước Long, Bạc Liêu) phấn khởi: “Không chỉ cá nhân tôi mà tất cả anh chị em nghệ nhân ĐCTT trên khắp đất nước đều vui mừng khi nhận được tin, ĐCTT Nam bộ được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể. Chúng tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, duy trì và phát triển phong trào ĐCTT tại mỗi địa phương góp phần bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ”.

Bà Lê Thị Ái Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng, bản Dạ cổ hoài lang mãi mãi là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu. Để tưởng nhớ công lao và tri ân cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu – người sáng tác ra bản Dạ cổ hoài lang, tỉnh Bạc Liêu quyết định đặt tên một con đường, đoàn cải lương và rạp hát mang tên Cao Văn Lầu. Tỉnh cũng xây dựng khu lưu niệm mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu ngay tại nơi ông từng làm việc, sáng tác. Khu lưu niệm này trở thành di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh quyết định lấy ngày 15-8 âm lịch là ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang, được tổ chức lễ hội cấp tỉnh, nhằm tri ân đối với cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các bậc tiền nhân có công đóng góp cho sự phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương truyền thống độc đáo của dân tộc